0-6 tuổi “giai đoạn vàng” để trẻ phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần

Giai đoạn phát triển của trẻ từ 0-6 tuổi được các nhà khoa học, nhà giáo dục học gọi là “giai đoạn vàng” cho sự phát triển cả về thể chất và tinh thần trong những năm đầu đời. Bác sỹ, nhà tâm lý học Maria Montessori gọi đây là thời kỳ ‘then chốt hay cửa sổ cơ hội’, bà ví trẻ như những cụm tinh vân (Nebulae) đầy tiềm năng đang trôi lơ lửng ngoài không gian, khi tìm ra hướng đi, các đám mây chất khí này sẽ trở thành các hành tinh mới. Sự phát triển của trẻ trong thời kỳ này cũng vậy, chúng ẩn chứa đầy những tiềm năng. Với trí tuệ đặc biệt, trẻ có thể hấp thu mọi thứ xung quanh mà không cần sự nỗ lực nào, người thầy tự thân trong mỗi đứa trẻ sẽ tự dạy để phù hợp với môi trường với văn hóa mà trẻ đang sống. Vai trò của người lớn chúng ta cần hiểu và hỗ trợ kịp thời để khai phóng các tiềm năng đang ẩn chứa trong trẻ, để trẻ trở thành những con người mà tiềm năng của các em cho phép.

Bà Montessori tin rằng trẻ dưới 6 tuổi có trí tuệ hấp thu mọi thứ trong môi trường nơi trẻ đang sống, không phân biệt tốt xấu, không phán xét và đánh giá, chúng chỉ hấp thu mọi thứ như miếng bọt biển thấm hút nước, dù đó là nước sạch hay bẩn. Trí tuệ hấp thu hiện ở thời kỳ sáng tạo nhất trong vòng đời sinh học của trẻ trong giai đoạn đầu. Đây là lúc quá trình hình thành con người và kiến tạo bản thân của đứa trẻ đang diễn ra. Nó chỉ xuất hiện trong giai đoạn này mà không đạt đỉnh cao thêm 1 lần nữa. Trí não sẽ tiếp nhận và ghi nhận tất cả các ấn tượng dù nó là gì. Trẻ ở giai đoạn đầu có khả năng hấp thu hoàn toàn thực tế mọi thứ đang diễn ra xung quanh như mùi hương, âm thanh, hình ảnh, có thể cảm nhận, sờ nắm…dù đi đến đâu trẻ cũng có thể hấp thu các ấn tượng đó, đặc biệt là ấn tượng cảm quan vì các giác quan là chìa khóa để nắm bắt thông tin. Bác sỹ Maria Montessori cho rằng trí tuệ hấp thu ở trẻ giống như khả năng ghi hình của chiếc máy ảnh. Trẻ sẽ hấp thu mọi ấn tượng, không chỉ 1 mà cả trăm ấn tượng mà không cần sự nỗ lực nào, không cần tốn thời gian như ở người lớn. Trẻ sử dụng trí tuệ đặc biệt này một cách tự nhiên và đầy sáng tạo nhắm kiến tạo bản thân va hình thành nhân cách. Trí tuệ hấp thu hoạt động ở 2 cấp độ vô thức và có ý thức.

Giai đoạn vô thức kéo dài từ khi sinh ra cho tới 2,5 tuổi đến 3 tuổi. Đây là giai đoạn đoạn hình thành con người, là giai đoạn quan trọng nhất. Sự kiến tạo bản thân và hình thành con người diễn ra cao nhất, con người- cái tôi, nhân cách được hình thành. Nó quyết định trẻ sẽ trở thành người như thế nào, một thành viên thế nào trong cộng đồng mà trẻ đang sống. Đây là khoảng thời gian trẻ nhạy cảm với mọi thứ xung quanh như vận động, ngôn ngữ, sự tinh chỉnh các giác quan và trật tự.

Khi trẻ sinh ra chưa có khả năng vận động, mà chỉ có vài cử chỉ, cử động theo phản xạ. Sự vận động diễn ra đồng thời với sự phát triển ngôn ngữ song song với nhau nhưng không phụ thuộc vào nhau. Vài trẻ có thể thành thạo cả 2 khi mới 1 tuổi, trẻ có thể nói rất trôi chảy. Trong khi đó, một số trẻ khác phải đợi đến khi ngôn ngữ bùng nổ vào năm 2 tuổi.

Thời kỳ nhạy cảm về trật tự diễn ra cực kỳ mạnh mẽ ở giai đoạn từ 0-3 tuổi ở cả 2 giai đoạn ý thức trật tự bên trong và bên ngoài. Chính ý thức trật tự bên ngoài giúp đỡ và hỗ trợ sự hình thành trật tự bên trong. Do vậy, trẻ cần phải thấy sự trật tự trong hành động thường ngày. Trẻ phải thấy được sư ổn định ở người chăm sóc/ở cha mẹ, sự ổn định trong các giá trị và hành vi để giúp trẻ hình thành cảm giác về trật tự. Đây là khía cạnh rất quan trọng trong môi trường có chuẩn bị cho trẻ trong giai đoạn 6 năm đầu đời. Trong khi trí tuệ hấp thu hoạt động vô thức, thì các giác quan của trẻ cũng hoạt động. Trẻ có thời kỳ nhạy cảm để tinh chỉnh các giác quan vì các giác quan chính là cửa sổ khai mở trí thông minh của trẻ. Các ấn tượng này giúp trẻ kiến tạo bản thân hình thành nhân cách trong tương lai. Sau đó trẻ xây dựng trên nền tảng đã có. Các chuyên gia về ngôn ngữ nói rằng khi trẻ 3 tuổi, chúng đã nắm vững được cấu trúc của ngôn ngữ, sau này ta chỉ tinh chỉnh nó cho tốt hơn mà thôi. Tất cả các giác quan cùng hoạt động để giúp trẻ kiến tạo bản thân và thích nghi với thói quen, phong tục trong cộng đồng, trong gia đình. Lúc này nó diễn ra ở mức độ vô thức, đứa trẻ sinh ra ở trạng thái vô năng, chúng cần thời gian để phát triển. Khi trí tuệ hấp thu trở nên có ý thức, tức sau giai đoạn 0-3 tuổi sẽ chuyển qua giai đoạn 3-6 tuổi là lúc nó trở nên có ý thức.

Ở giai đoạn 3-6 tuổi đứa trẻ đã có ý thức, có nhiều thứ để diễn đạt với cha mẹ/người chăm sóc như “như con muốn ăn cái này, con không thích cái kia…” Trẻ bắt đầu phát triển thêm cái “Tôi” đã hình thành ở giai đoạn trước. Sự chuyển tiếp này được kích thích bởi sự tương tác của trẻ, cho trẻ sự lựa chọn. Ở cấp độ này, trẻ biết phân loại và sắp xếp những gì trẻ hấp thu được ở giai đoạn vô thức. Các ấn tượng giác quan phát triển một cách có ý thức, giúp trẻ hấp thu mọi thứ từ môi trường xung quanh như ngôn ngữ, vận động, trật tự, văn hóa, âm nhạc và đời sống tâm linh… trẻ rất dễ dàng thích nghi với cộng đồng nơi trẻ đang sống. Đặc biệt là ngôn ngữ và văn hóa của nơi đó, dù ngôn ngữ đó có khó và phức tạp đến đâu thì người thầy tự thân trong trẻ cũng giúp trẻ nói thành thạo thứ ngôn ngữ đang được sử dụng trong môi trường trẻ đang sống mà không cần sự nỗ lực như người lớn. Do đó, đây là thời điểm thích hợp để cung cấp cho trẻ một môi trường đa ngôn ngữ trong đó sẽ có nhiều người nói nhất quán một ngôn ngữ khác nhau để trẻ có cơ hội hấp thu và phát triển khả năng ngôn ngữ của mình.

Giai đoạn nhạy cảm cũng như trí tuệ thẩm thấu của trẻ chỉ diễn ra một lần và không quay trở lại. Nếu bỏ lỡ, sẽ làm chậm tiến trình phát triển của trẻ và ảnh hưởng đến những giai đoạn phát triển sau này. Do đó, vai trò của người lớn rất quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ trong giai đoạn này. Chúng ta cần phải có kiến thức và tin tưởng vào khả năng trí tuệ hấp thu của trẻ. Luôn tôn trọng và chờ đợi trẻ vì nhịp độ của trẻ rất chậm nhưng trí tuệ phát triển như một người trưởng thành. Dù ở nhà hay ở trường thì môi trường có chuẩn bị rất quan trọng, người lớn, người hướng dẫn là một phần quan trọng trong môi trường thể chất và tinh thần khi trẻ hấp thu mọi thứ trong đó. Trẻ sẽ hấp thu mọi cử chỉ, tính cách của người lớn. Đó là lý do tại sao chúng ta phải là hình ảnh chuẩn, khuôn mẫu cho trẻ học tập, trẻ áp dụng vào cuộc sống cá nhân của trẻ, tạo cho trẻ có niêm tin và tin tưởng vào thế giới xung quanh. Hỗ trợ nhưng không cản trở sự phát triển của trẻ, giúp trẻ định hình nhân cách và trở thành một công dân toàn diện trong cộng đồng trẻ đang sống, là trách nhiệm của người lớn chúng ta.

1900561216