Cách xây dựng ngôn ngữ cho trẻ từ 0 – 3 tuổi
Cách mà phụ huynh nên nói chuyện với trẻ hàng ngày để có thể giúp bé xây dựng ngôn ngữ trong giai đoạn đầu đời (0-3 tuổi):
Trong giai đoạn này trẻ sẽ rất thích quan sát những cử động, nhất là trẻ thích nhìn vào cử động của mắt, miệng và cảm nhận thần thái của ngôn ngữ qua nét mặt, qua các biểu cảm. Bởi vậy trẻ sẽ rất hứng thú và hào hứng khi người lớn giao tiếp với trẻ bằng việc nói chuyện.
Khi trẻ bắt đầu thể hiện ngôn ngữ nói, trẻ muốn truyền đạt để mong người lớn hiểu ngôn ngữ của mình, vì vậy chúng ta hãy quan tâm đến cảm xúc của trẻ hơn là cố gắng lắng nghe ngôn từ mà trẻ nói. Việc đó nhằm thúc đẩy sự tự tin và tôn trọng cách phát âm của trẻ. Cho dù ngôn từ của trẻ còn chưa rõ ràng, nhưng việc quan tâm đến cảm xúc của trẻ lại là điều thiết yếu, bởi việc tôn trọng đó sẽ thúc đẩy trẻ tích cực tương tác với người lớn nhiều hơn.
Luôn luôn tôn trọng khả năng nói của trẻ và khuyến khích trẻ nói nhiều hơn mỗi ngày, tương tác thường xuyên giúp thôi thúc trẻ mong muốn biểu đạt ý rõ ràng hơn. Cho dù là bạn chưa hiểu điều trẻ muốn diễn đạt cũng không sao hết, trẻ cần thời gian bồi đắp ngôn ngữ và sẽ tự sửa sai, bởi việc được lặp đi lặp lại ngôn ngữ là điều thiết yếu nhằm hướng đến việc phát triển bộ máy phát âm của trẻ.
Việc cung cấp ngôn ngữ cho trẻ cần thực hiện kết hợp giữa cả ngôn ngữ nói và ánh mắt nhìn. Mắt của trẻ cần nhìn vào khẩu hình của người đang biểu đạt ngôn ngữ. Hoặc khi cung cấp ngôn ngữ ta có thể kết hợp với hành động, như: ”đây là giầy, con đeo giầy”; “Đây là áo, con mặc áo” hoặc luôn luôn chỉ vào đồ vật cụ thể kết hợp với việc nhắc tên đồ vật đó cùng một lúc khi ta muốn cung cấp tên đồ vật nào đó cho trẻ.
Điều thiết yếu để thu hút khi trẻ tiếp thu ngôn ngữ nói của người lớn đó chính là cách mà chúng ta nhìn vào mắt trẻ, điều này giúp não bộ tiếp nhận thông tin từ hai phía. Tạo sự tương tác hai chiều, giúp cho bé biết cách tôn trọng và lắng nghe cũng là cách giúp trẻ biết là khi nào bạn đang nói chuyện với bé.
Cùng chờ đợi cho con cơ hội trả lời sau khi ta đặt câu hỏi. Chúng ta thường có thói quen khó có thể chờ đợi câu trả lời của trẻ, bởi khi giao tiếp với trẻ người lớn thường có thói quen đặt câu hỏi và tự trả lời câu hỏi nhằm giúp con biết luôn kiến thức. Ta cần thay đổi thói quen đó bằng cách cố gắng chờ đợi khoảng 10 giây đến 15 giây xem trẻ cố gắng nói gì với mình.
Vốn từcủa trẻđược xây dựng tốt nhất khi mà trẻ được tương tác với môi trường bên ngoài thật nhiều. Như cách mà chúng ta liên tục chuyển địa điểm để cùng trẻ tương tác. Ví dụ như cho trẻ đi ra ngoài công viên, đi đến các tụ điểm vui chơi hay khu trung tâm thương mại, nơi mua sắm hoặc đơn giản hơn là cùng con vui chơi tại sân trường, sân vườn của gia đình, hay chỉ đơn thuần là cho bé bách bộ, đạp xe… Luôn luôn tạo cho trẻ những điều mới mẻ, thật lạ lẫm mà trẻ chưa bao giờ nhìn thấy và cũng là sự kết nối tinh thần của mẹ và con.
Vào thời điểm mà trẻ có thể nói và diễn đạt một điều gì đó, hay khi trẻ muốn miêu tả điều mà trẻ mong muốn nhưng chưa được chuẩn xác, lúc này ta không nên sửa sai ngay cho trẻ một cách trực tiếp, kiểu như “con nói sai rồi, con hãy nói như này nhé… “. Nếu nhiều lần như vậy, trẻ sẽ thiếu tự tin và không dám nói nên chính kiến của mình. Từ quan điểm đó ngưới lớn nên sửa sai một cách gián tiếp để trẻ có thể tự nhìn thấy lỗi sai của mình và trẻ sẽ tự mình tinh chỉnh lỗi sai đó một cách tự nhiên nhất.
Muốn giúp cho trẻ tập trung vào kiến thức và thông tin cần cung cấp về ngôn ngữ thì khi nói chuyện với trẻ người lớn nên chọn những từ đơn giản, ngắn ngọn có sàng lọc những từ quan trọng mà thôi. Writen by ICP