Tổng quan về phương pháp Reggio Emilia

Phương pháp giáo dục sớm Reggio Emilia được áp dụng tại khá nhiều trường mầm non quốc tế, tuy nhiên liệu cha mẹ đã hiểu cặn kẽ về phương pháp này chưa?
Hiện nay, có khá nhiều phương pháp giáo dục cho trẻ mầm non như Montessori, STEM hay Glenn Doman. Mỗi phương pháp sẽ có những đặc trưng riêng, tuy nhiên đều chung mục đích là hướng đến sự phát triển toàn diện của trẻ ở giai đoạn đầu. Reggio Emilia, phương pháp giáo dục ra đời từ những năm 1940 đã không còn xa lạ với các bậc phụ huynh vì được áp dụng tại khá nhiều trường mầm non quốc tế.
Trước khi đưa ra quyết định cho bé theo học ở trường mầm non quốc tế nào, quý phụ huynh nên dành thời gian tìm hiểu bản chất và những ưu điểm của việc giảng dạy theo Reggio Emilia.
Phương pháp Reggio Emilia là gì?
Reggio Emilia là tên thành phố lớn thứ 5 của Ý, nơi phải gánh chịu hậu quả nặng nề sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 và thậm chí còn không có trường học. Bằng tình yêu thương và niềm hy vọng vào con trẻ, người dân ở thành phố này đã tự đi xin các vật dụng cần thiết để xây dựng trường học. Cả người cao tuổi cũng góp sức mình để mang đến những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng nhất.
Vì không có giáo viên nên họ thay phiên nhau giảng dạy, cho các bé học bằng cách khám phá và tự đặt ra những câu hỏi. Sau đó, một nhà tâm lý học người Ý tên Loris Malaguzzi đã đề xuất phương pháp giảng dạy lấy trẻ làm trung tâm, cho chúng được tự do khám phá và tìm tòi. Tên của chính thành phố này đã được dùng để đặt cho phương pháp giáo dục nói trên.
Phương pháp tiếp cận Reggio Emilia cho rằng mỗi đứa trẻ đều tiềm ẩn năng lực riêng và thông qua quá trình tự tìm tòi, những năng lực này sẽ được bộc phát một cách tự nhiên.
Reggio Emilia ngày nay là một thành phố phát triển vì cư dân nơi đây rất xem trọng việc giáo dục (Nguồn: lonelyplanet)
Những đặc điểm và lợi ích tuyệt vời của Reggio Emilia
Trẻ được xem là trung tâm của mọi hoạt động
Với phương pháp này, trẻ sẽ chủ động tham gia học tập và tương tác với môi trường xung quanh. Sẽ không có bất kỳ quy chuẩn nào để trẻ tuân theo, các con được tự do sáng tạo tùy thuộc vào trí tưởng tượng của mình. Ngoài ra, giáo viên chỉ là người hướng dẫn và cung cấp nguyên liệu cần thiết để trẻ thực hành. Ví dụ, nếu bé muốn làm một ngôi nhà bằng gỗ, giáo viên sẽ cho con vật dụng cần thiết nhưng cấu trúc ngôi nhà ra sao hay màu sắc thế nào đều do con tự quyết định.
Điều này mang đến những lợi ích rất lớn cho bé như rèn luyện sự sáng tạo, tìm tòi, kích thích khả năng quan sát và trí tưởng tượng. Ngoài ra, bé cũng có thể tự lập hơn, ít phụ thuộc vào người khác.

Không có bất kỳ khuôn mẫu nào, với phương pháp này, trẻ sẽ được phát triển tự nhiên nhất (Nguồn: ICP)
Có thể giao tiếp bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau
Ngôn ngữ ở đây không chỉ đơn thuần là cách trẻ nói chuyện bình thường. Thông qua những hoạt động đa dạng như mỹ thuật, đóng kịch, âm nhạc… bé sẽ được tự do thể hiện ngôn ngữ riêng. Với phương pháp Reggio Emilia, trẻ được bộc lộ những suy nghĩ của mình bằng nhiều cách khác nhau. Những suy nghĩ này giúp mỗi bé trở nên khác biệt, đây cũng là điểm cốt lõi của Reggio Emilia khi nhấn mạnh việc học tập bằng cách cho phép trẻ sử dụng tất cả các giác quan và ngôn ngữ của mình.
Môi trường là người thầy quan trọng của trẻ
Theo cách tiếp cận này thì môi trường chính là nơi để bé hiện thực hóa những ý tưởng của mình. Con cần được tiếp xúc với các xưởng đầy đủ đất nặn, màu vẽ, thư viện phong phú đầu sách, vườn cây… để tự do thể hiện những sáng tạo của mình. Đây là chất xúc tác giúp cho trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
Thầy cô và cha mẹ là người hướng dẫn cho bé
Cha mẹ được xem là người hết sức quan trọng với việc học của trẻ trong phương pháp Reggio Emilia. Các trường mầm non quốc tế sử dụng phương pháp giáo dục này thường tổ chức nhiều buổi hội thảo hay hoạt động để kết nối phụ huynh với nhà trường. Thầy cô là người hướng dẫn bé trên lớp, còn ba mẹ sẽ lắng nghe và đồng hành cùng con ở nhà. Điều đặc biệt là trẻ không bị gò bó, ép buộc mà sẽ được động viên từ người lớn để thực hiện những gì mình thích.
Thầy cô & cha mẹ là người luôn đồng hành cùng con trong quá trình phát triển (Nguồn: ICP)

 

 

 

 

 

1900561216